Máy rửa xe

Ứng xử sai của bố mẹ khi bé trộm tiền

Đi làm về, chị Thái giận sôi người khi nghe bà bán tạp hóa đầu ngõ gọi lại, đưa cho tờ 500 nghìn đồng, bảo: “Con bé nhà chị vừa ra mua kẹo, tôi thấy đưa tờ tiền to quá, hỏi thì nó nói mẹ cho…”.

Vốn tự hào về con gái 5 tuổi xinh xắn, ngoan ngoãn, nghĩ tới việc con lấy trộm tiền để ăn quà, lại nói dối, chị Thái (Cầu Diễn, Hà Nội) bực quá, chỉ kịp cảm ơn và cầm lại tiền, rồi lao về nhà, xẵng giọng gọi con. “Con lấy tiền này ở đâu? Sao con dám nói mẹ cho để mua kẹo? Ăn trộm đã xấu, lại còn nói dối. Hai tội to này mẹ phải xử lý con sao đây”, chị Thái giận dữ xả một tràng.

Cô bé lớp mẫu giáo lớn cúi gằm mặt, không dám nói gì. Muốn con sợ, lần sau chừa thói tắt mắt, chị Thái tiếp lời: “Mẹ không chấp nhận được đứa con hư đốn thế này. Con xách quần áo đi đâu thì đi, mẹ không nuôi nữa”, rồi lôi tay con ra khỏi phòng. Cô nhóc khóc nức nở, rối rít xin lỗi, van nài mẹ.

Buổi tối khi chồng về, chị Thái lại mang chuyện con gái lấy trộm tiền của mẹ ra kể và nói “giao cho bố xử lý, mẹ quá chán con rồi”. Cô bé con một lần nữa bị bố thuyết giảng một bài về đạo đức và thói xấu trộm cắp. Anh còn dọa nếu lần sau con làm như thế sẽ đem giao cho công an bỏ vào tù, bố mẹ không nuôi nữa.

Cũng rối trí khi phát hiện cậu con trai học lớp 1 rút trộm tiền trong ví của bố, anh Trung (khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội) trút cơn giận vào con bằng một trận đòn. Anh cho biết, mấy hôm trước vừa rút tiền từ cây ATM thì hôm sau phát hiện ví thiếu mấy trăm nghìn đồng. Dọn bàn học của con, anh thấy hai tờ một trăm nghìn và vài đồng tiền lẻ. Anh kể chuyện này với vợ và bảo chị lựa lời hỏi con.

Khi mẹ vừa hỏi vừa dọa dẫm, cậu nhóc 6 tuổi nhận đã 3 lần lấy tiền trong ví bố và nói bạn cùng lớp xui về lấy tiền bố mẹ mang đến cho bạn để mua đồ chơi và quà vặt, nếu không sẽ không chơi cùng và gọi đầu gấu tới đánh. Biết chuyện, anh Trung giận dữ quát con là “mới nứt mắt đã học cái thói trộm cắp thì lớn lên chỉ có làm ăn cướp” và đánh cháu cho “chừa cái thói xấu xa”.

Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, khi phát hiện trẻ nhỏ trộm tiền của người thân, hầu hết phụ huynh đều sốc, giận dữ và phản ứng bằng cách mắng, chỉ trích, kết tội trẻ là hư, xấu… Đây là thái độ phổ biến, dễ hiểu, nhưng cách này chỉ giải tỏa sự bực tức của người lớn chứ không có tác dụng giúp trẻ nhận thức được cái sai và không tái phạm – mục tiêu chính cần hướng tới.

Nhà tâm lý cho rằng, trường hợp này, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là kiềm chế cơn giận và bình tĩnh để tìm nguyên nhân. Hãy hỏi xem con lấy tiền ở đâu, như thế nào, vì sao và khuyến khích trẻ diễn tả lại hành động của mình, làm sao để trẻ không sợ, dám nói thật. Bố mẹ cần xác định xem con lấy tiền là lần đầu hay tái phạm nhiều lần, trẻ lấy tiền là hành vi bột phát, thấy người lớn để hớ hênh, do con thèm hay thích thứ gì quá mà không được đáp ứng, hay có ý định “lập mưu” để lấy tiền vì mục đích nào đó. Đừng vội quy kết hành động của con là ăn trộm, ăn cắp.

“Trẻ dưới 6 tuổi chưa ý thức rõ ràng về sự sở hữu. Những bé này khi vào siêu thị tự tiện lấy đồ không bị coi là ăn trộm và thường những nơi này yêu cầu trẻ phải có người lớn đi kèm mới được vào. Đôi khi trẻ đã quen được bố mẹ cho tiền hay sai đi mua đồ, nên thấy tiền, không cần biết của ai, là lấy đi mua”, nhà tâm lý giải thích thêm.

Ông cho biết, khi người lớn quát mắng, dọa dẫm, trẻ sẽ hoảng sợ và không dám nói thật. Không ít em, vì bị vội vàng kết tội, dán nhãn là trộm cắp, vì trót “có tiếng” nên đã làm thật cho thành “có miếng”. Ông cho rằng, chỉ khi bình tĩnh tìm hiểu được nguyên nhân rõ ràng hành vi của trẻ, bố mẹ mới có thể tìm ra cách ứng xử phù hợp và giúp con không tái phạm.

Nếu trẻ lấy tiền để phục vụ một số nhu cầu cơ bản nhưng không được đáp ứng như mua quà, đồ chơi…, hãy giải thích với con cách làm này là không tốt, và bảo trẻ nếu cần gì hãy nói với bố mẹ. Người lớn cũng không nên quá cấm đoán các nhu cầu này của trẻ, chỉ cần đặt ra giới hạn phù hợp. Đôi khi, trẻ lấy tiền chỉ đơn giản là để thu hút sự chú ý của người lớn. Trong tình huống đó, cha mẹ hãy xem lại sự quan tâm, thời gian mình dành cho con.

Trường hợp trẻ lặp lại hành vi lấy tiền nhiều lần, bố mẹ càng cần tìm cách làm rõ nguyên nhân. Hãy xem lại bản thân có thói quen vứt đồ lung tung, để tiền sơ hở hay có ai xúi giục con lấy hoặc trẻ quen ăn quà vặt, quen được tiêu tiền?

Ông Chuẩn cho rằng, để làm rõ sự việc không khó. Trẻ rất thật, không đủ mánh khóe để nói dối một cách logic. Chỉ cần bố mẹ hỏi vặn vài câu hay đánh vào tâm lý kiểu như đã biết tỏng mọi việc là bé sẽ “khai” hết. Bố mẹ có thể làm vài thử nghiệm, vờ để quên tiền lẻ ở chỗ trẻ dễ thấy và quan sát xem con lấy tiền làm gì, tiêu ở đâu. Người lớn có thể đảo ngược tình thế bằng cách bày tỏ sự tin tưởng với trẻ, giao cho bé việc giữ đồ, canh cho khỏi bị kẻ khác lấy trộm đồ của bố mẹ.

“Trong bất cứ tình huống nào đều cần khuyến khích trẻ nói sự thật. Hãy phê bình hành vi xấu nhưng bao giờ cũng cần tìm ra điểm tốt của trẻ để động viên. Chẳng hạn, con đã trung thực nhận lỗi, dám nói sự thật… Và điều quan trọng nhất là vạch ra cho trẻ cách làm đúng, chẳng hạn muốn ăn gì thì hỏi mẹ mua cho, bạn xúi làm điều xấu thì kể cho bố mẹ biết để người lớn có cách giải quyết…”, nhà tâm lý chia sẻ.

Theo ông Chuẩn, một điều quan trọng nữa các phụ huynh cần chú ý là tìm biện pháp ngăn chặn hành vi này từ đầu, bằng cách không để tiền sơ sểnh trước mắt trẻ, không tạo cho con thói quen dùng tiền tùy tiện…

VIDEO CLIP

LIÊN KẾT WEBSITE